(Dân trí) - Ngay sau khi Cục Quản lý cạnh tranh (VCA) - Bộ Công thương ra kết luận sơ bộ trong vụ kiện chống bán phá giá thép không gỉ từ 4 quốc gia và vùng lãnh thổ, 18 DN inox trong nước đã "phát sốt"vì mức thuế bị áp quá cao. Theo kết luận sơ bộ của cơ quan điều tra VCA ngày 2/12, mức thuế nhập khẩu sơ bộ trong thời gian điều tra chống bán phá giá mặt hàng này từ 4 quốc gia và vùng lãnh thổ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan là từ 6,45% đến 30,73%.
Theo báo cáo điều tra, tổng lượng nhập khẩu từ 4 nước bị "tố" bán phá giá thép không gỉ vào VN trong giai đoạn 2010 - 2011 là khoảng 69.000 tấn/năm, chiếm 73% tới 77% lượng nhập khẩu, so với mức khoảng 20.000 tấn/năm từ các nước khác.
Ngay sau khi kết luận sơ bộ này được đưa ra, 18 DN inox trong nước đã có văn bản "bày tỏ quan ngại sâu sắc", đồng thời khẳng định sẽ sớm có phản đối chính thức lên cơ quan điều tra cũng như các cơ quan hữu quan về nhiều điểm trong kết luận sơ bộ mà theo các đơn vị này là chưa phù hợp với thực tế, với quy định của pháp luật Việt nam và pháp luật quốc tế cũng như chưa tính đến lợi ích kinh tế - xã hội.
Theo các DN ngành này, nếu mức thuế sơ bộ được cơ quan có thẩm quyền áp dụng ngay sẽ đẩy các doanh nghiệp sản xuất inox của Việt Nam cũng như người tiêu dùng Việt Nam vào tình thế vô cùng khó khăn và khó tránh khỏi bị thiệt hại không thể khắc phục được.
Cụ thể, mức thuế này sẽ làm tăng chi phí đầu vào sản phẩm cuối cùng, đẩy giá bán lên cao và các đơn vị sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu cũng như người tiêu dùng trong nước phải gánh chịu.
"Pháp luật về chống phá giá đòi hỏi cơ quan điều tra phải xem xét để cân bằng lợi ích giữa các nhà sản xuất khởi kiện và người nhập khẩu, người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quyết định sơ bộ, lợi ích của các doanh nghiệp này và người tiêu dùng lại chưa được cơ quan điều tra xem xét một cách thỏa đáng, cân bằng với bên khởi kiện", đại diện của 18 DN khẳng định.
Theo ông Đàm Quang Hùng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà: "Việc nhập khẩu mặt hàng này từ một số quốc gia hiện đang có mức thuế là 10%, nếu áp thuế thêm nữa thì các doanh nghiệp sản xuất inox Việt Nam chỉ còn lựa chọn là thu hẹp sản xuất, nhường thị phần cho hàng thành phẩm cho nước ngoài".
Ông Hùng cũng như một số DN khác cũng cho biết, hiện hai đơn vị đứng đơn khởi kiện là Posco VST và Hòa Bình Inox có thị phần chiếm tới 81%, với mức giá cung cấp tại thị trường VN cao hơn từ 10 - 20% so với thị trường quốc tế, nên việc áp thuế sơ bộ với mức thuế cao như trên sẽ khiến các DN phải mua nguyên liệu với giá cao vô lý so với mức mà đáng ra họ có thể nhập được từ các đối tác ngoại với giá hợp lý hơn.
Ngay trong nội dung quyết định sơ bộ ngày 2/12, các DN cho rằng còn rất nhiều điểm cần phải được cân nhắc, xem xét thêm. "Ví dụ, quyết định sơ bộ chưa xem xét đầy đủ các căn cứ để xác định phạm vi sản phẩm áp thuế chống phá giá mà hầu như chỉ căn cứ vào đơn kiện, dẫn đến việc đề nghị áp thuế đối với các sản phẩm trong nước hầu như chưa sản xuất được hoặc sản xuất lượng rất nhỏ (sản phẩm Inox series 200 khổ rộng, sản phẩm baby coil), quyết định sơ bộ phân tích quá sơ sài về vấn đề quan hệ nhân quả giữa thiệt hại của hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu bị điều tra, đặc biệt không đề cập đến các nguyên nhân khác là nguyên nhân gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước...", văn bản nói.
Các DN sử dụng nguyên liệu inox bình luận rằng "dường như cơ quan điều tra đã không xem xét cẩn trọng hậu quả nặng nề, không thể khắc phục được mà việc áp thuế sẽ gây ra đối với các doanh nghiệp sử dụng thép không rỉ, người tiêu dùng Việt Nam cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung trong giai đoạn khó khăn này".
Trước đó, trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Tập đoàn SunHouse cho rằng việc tăng thuế nhập khẩu lên 10%, và nếu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, là "bảo vệ 2 ông, giết 100 ông", bởi với mức chi phí đầu vào tăng mạnh như vậy, giá bán sản phẩm sẽ nhảy vọt theo và việc mất thị trường xuất khẩu lẫn trong nước là nguy cơ nhãn tiền.
Vụ kiện này bắt đầu từ 3/6 vừa qua, do hai công ty Posco VST và Inox Hòa Bình là nguyên đơn, kiện yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.
Trao đổi với Dân trí, các luật sư đều cho rằng việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là điều tốt, nhưng cơ quan điều tra cần công tâm và có đủ hiểu biết pháp luậtvề lĩnh vực này, cũng như phân tích toàn diện để đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhóm DN trong nước cũng như tổng lợi ích kinh tế - xã hội.
|